Quy định về quảng cáo ngoài trời tại TpHCM

Đăng
newnormal billboard

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
——-

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———

Số: 836/QĐ-UB-VX

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 3 năm 1994

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH .

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

– Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 06 năm 1989;
– Nhằm bảo đảm yêu cầu cải thiện mỹ quan và cảnh quan thành phố;
– Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa thông tin, Kiến trúc sư trưởng thành phố;

newnormal billboard

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 .- Nay ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều 2 .- Các ông Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa thông tin, Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Giao thông công chánh, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này.-

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH

Trương Tấn Sang

QUY ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 836/QĐ-UB-VX ngày 24 tháng 03 năm 1994 của Ủy ban nhân dân thành phố)

– Nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ mỹ quan và cảnh quan môi trường thành phố và bảo vệ văn hóa dân tộc;

– Nhằm khắc phục các thiếu sót và đưa hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đi vào nề nếp, phù hợp với công tác phát triển đô thị;

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định về hoạt động quảng cáo ngoài trời như sau:

I. – NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Bản Quy định này chỉ áp dụng cho loại hình quảng cáo ngoài trời (gồm các vật thể cố định và di động), và phải tuân thủ các nguyên tắc:

1- Không vi phạm kỷ luật thông tin tuyên truyền.

2- Không vi phạm mỹ quan và cảnh quan thành phố.

3- Không vi phạm vệ sinh môi trường thành phố.

4- Không vi phạm qui chế phòng cháy chữa cháy.

5- Không vi phạm luật lệ an toàn giao thông .

6- Không vi phạm qui chế an toàn công trình xây dựng.

Điều 2.- Những tổ chức, cá nhân có giấy phép hoạt động quảng cáo của cấp có thẩm quyền quản lý hành chánh Nhà nước, giấy phép thực hiện từng hợp đồng quảng cáo của Sở Văn hóa thông tin thành phố mới được tiến hành hoạt động quảng cáo.

Điều 3.- Các tổ chức, cá nhân có phép hoạt động quảng cáo phải đăng ký kinh doanh và phải nộp đầy đủ các sắc thuế theo quy định hiện hành.

Điều 4.- Nội dung quảng cáo phải trung thực, không được dùng những lời lẽ cường điệu hoặc cách trình bày có thể hướng dẫn sai lầm người tiêu thụ về sản phẩm quảng cáo. Phải có ý thức đề cao và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Không được sử dụng hình ảnh, phong cảnh, tiếng nước ngoài để quảng cáo cho sản phẩm Việt Nam. Đối với sản phẩm nước ngoài được phép quảng cáo phải thực hiện quyết định 361/CP của Chính phủ về sử dụng ngôn ngữ hình ảnh.

Điều 5.- Hàng hóa được đưa ra quảng cáo sau khi có chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp.

Điều 6.- Xây dựng các bảng quảng cáo bằng pano và các loại hình khối phải có bản thiết kế hình dáng, kết cấu và vật liệu sử dụng để Kiến trúc sư Trưởng thành phố xem xét cấp giấy phép xây dựng.

Điều 7.- Thời hiệu và những phạm vi không được đặt quảng cáo.

1- Thời gian ký hợp đồng cho một dịch vụ quảng cáo không quá 01 năm. Các địa điểm đã có trong qui hoạch đô thị ổn định có thể ký hợp đồng thời gian dài hơn, nhưng phải có sự đồng ý của Kiến trúc sư Trưởng thành phố.

2- Những phạm vi sau đây không được đặt quảng cáo:

– Những nơi có ảnh lãnh tụ, khẩu hiệu chính trị.

– Khu vực cơ quan nhà nước: Ủy ban nhân dân thành phố, Hội trường Thống Nhất, Văn phòng Chính phủ tại thành phố, các cơ quan Thành ủy, Ủy ban nhân dân quận, huyện.

– Khu vực trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài

– Khu vực di tích lịch sử, công trình văn hóa đã được xếp hạng.

– Bảo tàng, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, đình chùa, nhà thờ.

– Đặt trước, chồng lên hoặc che khuất các bảng quảng cáo đã có trước hoặc chưa hết hạn.

– Khu vực công viên.

– Nơi niêm yết các đạo luật, văn bản Nhà nước.

– Hành lang kỹ thuật đô thị; lộ giới các đường nội thành, hệ thống dây dẫn điện, bưu điện và các công trình kỹ thuật đô thị khác.

3- Những hàng hóa không được quảng cáo: thuốc lá, những hàng hóa chưa có giấy phép kinh doanh, chưa đăng ký chất lượng và nhãn hiệu sản phẩm; hàng hóa nước ngoài chưa có phép hợp lệ lưu hành nội địa: thuốc trừ sâu chưa có phép của cơ quan bảo vệ thực vật.

4- Nếu là thuốc chữa bệnh cho người phải có phép của Bộ Y tế và thực hiện theo Quyết định số 1034/QĐ-UB-VX ngày 05-07-1993 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

II.- QUẢNG CÁO HÀNG NƯỚC NGOÀI.

Điều 8.- Quảng cáo cho hàng nước ngoài phải tuân thủ:

Quảng cáo cho hàng nước ngoài tại Việt Nam mà chủ quảng cáo không phải pháp nhân Việt Nam phải có điều kiện sau đây:

1- Phải có giấy phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

2- Hàng hóa, nguyên vật liệu phải có giấy phép nhập khẩu vào Việt Nam.

3- Nhãn hiệu, biểu trưng đã đăng ký sở hữu công nghiệp ở nước sở tại hoặc ở Việt Nam.

4- Có dấu chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng ở nước sản xuất.

III. QUẢNG CÁO DI ĐỘNG.

Điều 9.-

1- Quảng cáo trên xe ô tô, xe buýt và các phương tiện giao thông, ngoài việc tuân thủ các quy định trên, đồng thời phải được sự chấp thuận của cơ quan cảnh sát giao thông thuộc Công an thành phố trước khi Sở Văn hóa thông tin xem xét nội dung để cấp phép.

2- Quảng cáo bằng bóng bay, kinh khí cầu phải theo các nguyên tắc về quản lý không lưu, không ảnh hưởng đến đường bay của máy bay và đảm bảo các quy tắc về an toàn kỷ thuật.

IV. – THỦ TỤC CẤP PHÉP

Điều 10.-

1- Sở Văn hóa thông tin và Kiến trúc sư Trưởng thành phố được Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cấp giấy phép quảng cáo ngoài trời. Sở Văn hóa thông tin cấp phép về nội dung, kiến trúc sư Trưởng thành phố cấp giấy phép về địa điểm và xây dựng. Khi có đầy đủ hai loại giấy phép này mới được tiến hành xây dựng bảng quảng cáo.

2- Các đơn vị quảng cáo xin cấp giấy phép quảng cáo ngoài trời cần lập các thủ tục sau:

a) Quy định hồ sơ xin phép để Sở Văn hóa thông tin cấp phép về nội dung quảng cáo:

– Đơn xin quảng cáo kèm theo maket nội dung, phối cảnh hoặc địa điểm đặt pano.

– Bản sao có dấu công chứng của giấy phép kinh doanh, dịch vụ đầu tư, nhập khẩu.

– Bản sao có dấu công chứng của giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa trong từng thời gian, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.

– Bản sao hợp đồng kinh tế, hợp đồng thuê địa điểm.

– Nếu là thuốc chữa bệnh cho người phải có cơ quan y tế (Bộ Y tế hoặc Sở Y tế) duyệt cho phép quảng cáo. Nếu thuốc trừ sâu phải có phép của cơ quan bảo vệ thực vật (Cục bảo vệ thực vật hoặc Chi cục bảo vệ thực vật).

– Thời gian ba tháng kể từ ngày ký giấy phép, nếu vì lý do nào đó không thực hiện được hợp đồng thì giấy phép không còn hiệu lực và phải trả lại Sở Văn hóa thông tin.

b) Quy định về hồ sơ để Kiến trúc sư Trưởng thành phố cấp phép về địa điểm và thi công xây dựng công trình quảng cáo.

Hồ sơ xin phép xây dựng công trình quảng cáo được lập thành 03 bộ, gồm có:

– Đơn xin phép xây dựng.

– Giấy chứng nhận chủ quyền nhà nếu đặt công trình quảng cáo trên công trình kiến trúc, giấy phép sử dụng đất nếu công trình quảng cáo trên đất trống.

– Họa đồ vị trí công trình: tỷ lệ 1/500 – 1/1000 nếu xây dựng trên đất trống, tỷ lệ 1/200 nếu đặt trên công trình kiến trúc hiện có, bao gồm bản vẽ sơ bộ mặt đứng, mặt cắt kiến trúc hiện có.

– Họa đồ kiến trúc hình dáng và kết cấu công trình quảng cáo bao gồm mặt bằng, các mặt đứng, mặt cắt tỷ lệ 1/100 – 1/50 do đơn vị có tư cách pháp nhân và giấy phép hành nghề thiết kế xây dựng lập.

Họa đồ thiết kế phải có chữ ký thỏa thuận của chủ đầu tư xây dựng, chủ nhà hoặc chủ đất.

– Nếu công trình quảng cáo được xây dựng, lắp đặt trên công trình kiến trúc hiện có, phải có biên bản khảo sát nhà hiện hữu có thẩm định chất lượng kết cấu nhà đủ điều kiện an toàn cho phép xây dựng lắp đặt thêm công trình quảng cáo của cơ quan chức năng (Sở Xây dựng thành phố).

– Ảnh chụp vị trí đặt quảng cáo ở khoảng cách 50m và 200m.

– Bản vẽ màu mô tả sơ bộ nội dung, màu sắc sẽ thực hiện trên công trình quảng cáo.

3/ Các đơn vị xin phép quảng cáo và xây dựng pano quảng cáo ngoài trời phải đóng lệ phí cho cơ quan cấp giấy phép theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.

Lệ phí thu sau khi hoàn thành thủ tục và được dùng để chi cho việc xét duyệt, in ấn tài liệu.

V.- QUY ĐỊNH KHUÔN KHỔ, HÌNH THỨC VÀ CÁCH ĐẶT, DỰNG CÁC BẢNG PANO QUẢNG CÁO.

Điều 11.- Hình thức các pano quảng cáo:

1- Kiểu dáng cho pano quảng cáo gồm có: hình chữ nhật, hình vuông khối, hình hộp, hình khối trụ tròn, trụ chữ nhật, bảng lưới chữ, hộp đèn và các hình thức, kiểu dáng hài hòa mỹ thuật khác.

2- Màu sắc không hạn chế nhưng phải hài hòa.

3- Quy cách đối với pano quảng cáo:

a) Bố trí pano quảng cáo hay các hình thức quảng cáo khác theo từng địa điểm được duyệt (có hồ sơ cụ thể kèm theo).

b) Một kiến trúc cao tầng chỉ đặt một công trình quảng cáo trên công trình đó. Kích cỡ được xác định theo tỉ lệ hình khối của công trình. Chiều cao công trình quảng cáo không quá 15% chiều cao từ mặt đất đến công trình quảng cáo.

c) Các pano ven đường giao thông phải nằm phía sau tín hiệu giao thông, không cản tầm nhìn, không gây trở ngại cho người đi đường. Hình dáng và kích thước được đồng bộ hóa như sau: một trụ cáo 3.5m, kích thước tối đa 2,5m x 5m.

d) Các hình thức quảng cáo theo kiểu khối trụ tròn, tam giác, trụ chữ nhật được đặt ở những vị trí có tầm nhìn rộng như quảng trường, đài phun nước… Hình dáng, kích thước được đồng bộ hóa như sau: trụ cáo 4m, kích thước tối đa 4,5m x 10m.

4- Bộ phận kết cấu chịu lực của công trình quảng cáo phải có hình dáng thẩm mỹ hài hòa với công trình kiến trúc và cảnh quan khu vực.

5- Kết cấu chịu lực và kỹ thuật an toàn phải được đơn vị thiết kế thi công có chức năng hợp pháp đảm nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng an toàn của công trình.

6- Công trình quảng cáo có diện tích lớn hơn 100m2 phải có biện pháp giảm thiểu sức cản gió.

Điều 12.- Cách đặt pano:

1- Trên các công trình kiến trúc:

– Không được che chắn cửa sổ, lỗ thông gió, cầu thang thoát hiểm.

– Không được dựng pano quảng cáo thành tầng kế tiếp nhau hoặc cụm pano trong phạm vi một ngôi nhà.

2- Trên trục lộ giao thông:

– Không che chắn các tín hiệu giao thông.

– Không gây trở ngại cho người đi đường.

– Không vi phạm lộ giới đường nội thành.

– Trên trục lộ giao thông đối ngoại, ngoại thành phải được xây dựng cách lề đường 20m. Khoảng cách giữa 2 công trình quảng cáo dù khác nhau về nội dung cũng phải cách xa nhau tối thiểu là 200m (hai trăm mét).

VI. QUY HỌACH HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI.

Điều 13.- Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Sở Văn hóa thông tin và Kiến trúc sư Trưởng thành phố chịu trách nhiệm phối hợp các ngành liên quan: Sở Giao thông công chánh, Công an thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, căn cứ vào bản quy định này mà quy định chi tiết các địa điểm, quảng cáo phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, trật tự an toàn giao thông và mỹ quan thành phố trên địa bàn từng quận, huyện.

Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa thông tin và Kiến trúc sư Trưởng thành phố xem xét cấp giấy phép quảng cáo và xây dựng pano quảng cáo ngoài trời.

VII. XỬ LÝ VI PHẠM.

Điều 14.-

1- Các trường hợp sau đây được coi là vi phạm quy định về hoạt động quảng cáo:

a) Tuyên truyền quảng cáo và nhận tuyên truyền quảng cáo có nội dung vi phạm điều 10 và điều 25 Luật báo chí, điều 4 và điều 17 Nghị định 133/HĐBT, điều 22 Luật xuất bản, Quyết định 361/CP, Quyết định 1034/QĐ-UB-VX của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và vi phạm các quy định khác về trật tự an toàn xã hội, về văn hóa thông tin.

b) Tự ý thay đổi nội dung, hình thức tuyên truyền quảng cáo đã được duyệt.

c) Quảng cáo không trung thực dẫn đến trường hợp làm phương hại đến lợi ích người tiêu dung.

d) Thực hiện quảng cáo không có phép của Sở Văn hóa thông tin thành phố và giấy phép xây dựng pano quảng cáo ngoài trời của Kiến trúc sư Trưởng thành phố.

e) Đặt quảng cáo không đúng địa điểm cho phép, không ghi tên đơn vị thực hiện quảng cáo ở các bảng quảng cáo.

2- Mức độ xử phạt theo pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và các Nghị định của Chính phủ thi hành pháp lệnh. Ngoài ra, xử lý:

a) Không có giấy phép của Sở Văn hóa thông tin và Kiến trúc sư Trưởng thành phố mà thực hiện quảng cáo, tùy theo trường hợp cụ thể sẽ bị tháo gỡ, tịch thu phương tiện…

b) Đối với các loại biển hiệu có xen nội dung quảng cáo sẽ bị buộc tháo gỡ.

c) Các cơ sở làm ra vật tiêu dung có in nội dung quảng cáo mà không có phép, sẽ bị tịch thu phương tiện. Các cơ sở in ấn tự động gia công các nội dung quảng cáo, tùy theo mức độ sẽ bị tịch thu phương tiện kèm theo hình thức phạt tiền.

d) Tự ý sửa đổi nội dung, hình thức quảng cáo, đặt sai vị trí cho phép, tùy trường hợp cụ thể, sẽ bị buộc tháo gỡ, làm lại hoặc phạt tiền.

e) Nội dung quảng cáo vi phạm kỷ luật tuyên truyền sẽ bị đình chỉ hoạt động và truy tố trước pháp luật.

g) Quảng cáo không trung thực dẫn đến làm phương hại lợi ích người tiêu dùng, tùy mức độ sẽ bị phạt tiền. Trường hợp nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

h) Không đảm bảo an toàn đô thị, nếu gây thiệt hại sẽ bị đền bù và xử phạt theo pháp lệnh xử phạt hành chánh, nếu gây tác hại xấu đến tính mạng công dân phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

i) Không ghi tên đơn vị thực hiện quảng cáo sẽ bị phạt tiền và buộc phải bổ sung tên đơn vị vào bảng quảng cáo. Nếu quá thời hạn yêu cầu mà không bổ sung sẽ bị tháo gỡ.

VIII.- ĐIỀU KHỎAN THI HÀNH.

Điều 15. – Bản quy định này có giá trị từ ngày ký. Từ 01-07-1994, tại các địa điểm, kích cỡ và hình thức quảng cáo ngoài trời không phù hợp bản quy định này đều phải được tháo gỡ, hủy bỏ. Trên phạm vi thành phố, các quy định của thành phố trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Sở Văn hóa thông tin, Kiến trúc sư Trưởng thành phố, Công an thành phố có trách nhiệm phổ biến và tổ chức giám sát việc thực hiện bản quy định này.-

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH